Hòa cùng với sự khẩn trương ấy, tại một góc của Lạc Hoa Điện, không khí cũng hỗn loạn không kém, nhưng là theo nghĩa đen. Trong phạm vi suốt mấy trăm dặm, thiên địa linh khí liên tục di chuyển rồi tụ tập lại thành một vòng xoáy và đang ngày một lớn dần. Phía dưới vòng xoáy kia là một động phủ, bên trong có một nữ nhân ngồi nhắm nghiền hai mắt, toàn thân toát ra những dòng linh lực hết sức kỳ lạ. Nửa thân bên trái nàng, từ mặt cho đến gót chân, hết thảy đều biến thành màu đen; tương tự, nửa thân bên phải cũng như thế, chỉ khác là nó có màu trắng. Trông nàng lúc này như thể được chia làm hai vậy.
Nhưng mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đó, cùng với số lượng thiên địa linh khí dung nhập mỗi lúc một nhiều, hai dòng linh lực đen trắng nọ cũng bắt đầu hòa quyện lại với nhau. Dần dần, chúng tạo thành một họa đồ thâm ảo. Họa đồ này nằm gọn trong một vòng tròn, gồm hai nửa đối xứng ôm trọn lấy nhau, một tượng trưng cho Âm (màu đen) và một tượng trưng cho Dương (màu trắng). Trong mỗi phần đối xứng lại có một chấm tròn màu đối lập nằm trong đó. Nó chính là Thái Cực đồ - một trong những họa đồ huyền ảo nhất của tu tiên giới.
Thái Cực nghĩa là hơn hết tất thảy, trước hết tất thảy, trong lòng nó chứa đựng tất cả những nguồn gốc cho sự vận động. Thái Cực là cái nguồn vô tận khởi thủy, là khí tiên thiên, linh căn bất sinh bất diệt chứa đựng Âm Dương. Trong Âm có Dương và trong Dương có Âm, Dương thịnh thì Âm suy, Âm thịnh thì Dương suy. Nhưng trong khi thịnh nhất của Dương thì Âm đã xuất hiện, và ngược lại. Không tồn tại yếu tố hoàn toàn Dương hoặc hoàn toàn Âm, vì sẽ không thành một tổng thể hoàn chỉnh. Nếu trong một tổng thể lớn thì phần mang thuộc tính Dương khác với phần mang thuộc tính Âm nhưng khi tách thành từng bộ phận, mỗi phần lại là một tổng hòa Âm Dương mới.
Chẳng hạn nếu xét loài người là một tổng thể, thì phần Dương là Nam giới, Âm là Nữ giới. Nhưng xét các cá thể Nam, thì không phải toàn Dương cả. Trong con người họ có yếu tố Âm là tinh thần, Dương là thể xác. Trong thể xác Dương thì cơ bắp xương cốt là Dương, kinh mạch là Âm. Hoặc trong nội tạng thì lục phủ là Dương, ngũ tạng là Âm. Xét trong ý thức, thì Thiện là Dương mà Ác là Âm. Trong tri thức thì thu nhập thông tin (biết, nhớ) là Dương, mà loại bỏ thông tin (quên) là Âm. Cứ như vậy, Âm Dương là giao hòa tương tác, không bao giờ không tồn tại, tuy đối lập nhưng không triệt tiêu nhau, khi yếu tố này mạnh thì yếu tố kia yếu, nhưng không bao giờ suy đến cạn kiệt hoàn toàn cả.
Âm Dương gọi là Lưỡng Nghi, từ Lưỡng Nghi lại sinh ra Tứ Tượng. Chúng là:
- Thái Dương : Mặt trời (Nhật): rất nóng, bầu trời sáng.
- Thái Âm : Mặt trăng (Nguyệt): lạnh, bầu trời tối đen.
- Thiếu Âm : Định tinh (Tinh): không chuyển động, lạnh.
- Thiếu Dương – Hành tinh (Thần): chuyển động trên bầu trời.
Vì vậy còn gọi Nhật Nguyệt Tinh Thần là Tứ Tượng, và vị trí của chúng cũng gọi là Tượng trời. Nhưng Tứ Tượng không phải là điểm dừng cuối cùng. Từ Tứ Tượng này lại sinh ra Bát Quái. Nó bao gồm: Càn (nghĩa là Trời - Thiên), Đoài (nghĩa là Đầm - Trạch), Ly (nghĩa là Lửa - Hỏa), Chấn (nghĩa là Sấm - Lôi), Tốn (nghĩa là Gió - Phong), Khảm (nghĩa là Nước - Thủy), Cấn (nghĩa là Núi - Sơn), Khôn (nghĩa là Đất - Địa).
Như vậy, Thái Cực là khởi nguồn của vũ trụ?
Đạo giáo có câu: “Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh vạn vật”. Nếu Hai là Lưỡng Nghi, Một là Thái Cực, thì Đạo phải là cái có trước cả Thái Cực. Và nó chính là Vô Cực (Hư Vô).
Từ Hư Vô – Vô Cực, không có gì, đã có tượng hình của Thái Cực – hình tròn. Thái Cực đã có trong lòng nó Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi phân chia, chồng lên nhau để thành Tứ Tượng. Tứ Tượng lại diễn sinh, tạo ra Bát Quái rồi từ đó mà hình thành nên vạn vật. Như vậy, trong suốt quá trình dài đằng đẵng vạn ức năm ấy, nhân loại, yêu tộc, quỷ tộc hay thậm chí là chư thiên thần ma, có lẽ cũng chỉ là một sinh linh được tự nhiên tạo ra mà thôi. Và trong tất cả những sinh linh đó, ngoài Thần, gần như không còn ai có thể đạt tới cảnh giới sáng tạo của tự nhiên được. Ít nhất thì trong nhận thức của tu tiên giới là như vậy.
Hiện giờ, điều nữ nhân nọ đang làm không phải là tạo ra Thái Cực. Nó quá viễn vong. Nàng chỉ mô phỏng Thái Cực ở trạng thái đơn giản, ở lớp vỏ ngoài của nó. Nhưng dẫu là thế đi nữa thì đó tuyệt đối chẳng phải việc dễ dàng gì đối với tu sĩ ở một tinh cầu phàm giới như Thiên Vũ đại lục...
Cũng thời điểm này, tại đại điện của Âm Dương Tông đang diễn ra một cuộc hội nghị quan trọng, hơn nữa còn khá là bất thường. Người triệu tập không phải là tông chủ đương nhiệm Cổ Mị Nhi, càng không phải tông chủ tiền nhiệm Cổ Liệt hay Cực Lạc tôn giả mà là một người khác. Một bà lão.
Bà lão này có tướng mạo rất xấu xí. Tóc bạc thưa thớt, da dẻ sần sùi, mặt rỗ, mũi ưng, lưng còng và bị mù một mắt... Xấu xí là vậy nhưng chưa từng có ai chê bai hay bình luận gì về hình dạng của bà ta cả. Hoặc giả có lẽ những kẻ đó đều đã chết hết rồi cũng nên. Chỉ thấy giờ phút này, bà lão ngồi trên chiếc ghế bên trái ngai tông chủ, tay cầm quải trượng chống xuống đất, sắc mặt âm trầm.
Thấy bà ta cứ im lặng như thế, Cổ Liệt đành mở miệng:
"Bách Liên. Mọi người cũng đã đến đông đủ rồi, có chuyện gì thì ngươi hãy nói đi."
"Muốn nói gì thì hãy nói nhanh đi. Ta không có nhiều thời gian để ngồi đây nhìn ngươi."
Bên cạnh, Cực Lạc tôn giả hơi mất kiên nhẫn tiếp lời.
"Cực Lạc. Nhiều năm không gặp, ngươi vẫn chẳng thay đổi."
Bà lão, cũng tức Bách Liên - một trong hai vị tôn giả của Âm Dương Tông - rốt cuộc lên tiếng. Bà ta nói tiếp, giọng trầm đục khó nghe:
"Hôm nay, ta mời mọi người đến đây là vì một chuyện quan trọng cần thảo luận."
Nghe thế, ai nấy đều tập trung chờ đợi đáp án được đưa ra. Bọn họ đang rất tò mò muốn biết vì nguyên do gì mà lại khiến cho một người tính tình cô tịch quanh năm bế quan như Bách Liên tôn giả phải đích thân ra mặt triệu tập cuộc hội nghị này. Tất cả đều nghĩ đó hẳn phải là một đại sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với Âm Dương Tông. Và sự thật thì cũng không khác bao nhiêu so với những gì họ nghĩ. Trước những ánh mắt chờ đợi, Bách Liên tôn giả từ tốn nói:
"Ta nghĩ chúng ta cần bầu chọn ra một vị tông chủ cho Âm Dương Tông."
Toàn bộ mọi người đang có mặt đều bị câu nói của Bách Liên tôn giả làm cho bất ngờ, kể cả Cổ Liệt lẫn Cực Lạc tôn giả cũng không ngoại lệ. Cổ Liệt là người đầu tiên lên tiếng chất vấn:
"Bách Liên, ngươi nói như vậy là ý gì? Tông chủ của Âm Dương Tông chẳng phải vẫn còn đang tại vị hay sao?"
"Ngươi muốn nói là Cổ Mị Nhi?"
Bách Liên khẽ hừ, bảo:
"Nó không xứng."
Thái độ hiện giờ của Bách Liên tôn giả có thể nói là vô cùng ngạo mạn. Và đương nhiên, nó khiến cho hai người được xem như có thân phận ngang hàng với bà là Cực Lạc tôn giả và Cổ Liệt cảm thấy khó chịu. Đặc biệt là Cực Lạc tôn giả. Từ trước đến nay, Cực Lạc chả ưa gì người "bạn già" của mình kia, dù cả hai vốn đã quen biết nhau từ thuở niên thiếu và cùng lớn lên tại Âm Dương Tông.
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Điệp Mộng Hồng Hoa
Chương 209: Bà lão xấu xí
Chương 209: Bà lão xấu xí