DocTruyenChuFull.Club

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Một Tay Che Trời
Chương 1-2: Thế cuộc đã định

Đáng ra số mệnh Ngôn Ấp phải bị người đời lên án là loạn thần tặc tử, bởi vì những đời vua trước đều như vậy. Kết cuộc thì ngược lại, hắn trở thành vị vua cứu thế, không hề có lời dị nghị nào.

Dù lấy cớ đứng về phía thanh quân thì cũng khó che đậy dã tâm của hắn, thân là vương thúc lại đi cướp ngôi cháu mình. Đổi lại bối cảnh nam tử thời đó, có lên ngôi cũng khó tránh cái tiếng “chư hầu đoạt quyền.” Nhưng chuyện này đều do đứa cháu ngu xuẩn của mình dâng tặng thì mọi chuyện đều đường đường chính chính, Ngôn Ấp nghiễm nhiên thành người lật đổ tình thế.

Thời cơ này xảy ra khi Ngôn Ấp được ba mươi tuổi. Người xưa có câu, trai ba mươi dựng nên sự nghiệp, hắn năm đó đã một tay chế ngự sóng to gió lớn. Đến mức những chuyện xảy ra từ trước hồ như là cơn sóng tích lũy sẵn cho sự kiện năm đó.

-0-

Khi ấy, Ngôn Ấp là Ninh vương, vương thúc của hoàng đế trị vì. Chẳng những thứ bậc hắn nhỏ tuổi nhất, hơn nữa mẫu thân lại là nô tỳ ở bộ lạc phía tây bị cống hiến cho vua. Vì vậy thân phận hắn là thấp hèn nhất trong số ba huynh đệ, lúc nhỏ thường bị họ coi khinh. Chắc vì vậy mà lúc nhỏ hắn đã dũng mãnh kiên cường, càng không ham hố lấy lòng phụ thân. Do vậy lúc tranh giành ngôi vị thái tử, căn bản Ngôn Ấp không có phần. Hắn cũng rất an phận nhìn huynh trưởng lên ngôi hoàng đế, sau đó thì con huynh trưởng mình tiếp tục nối ngôi.

Lúc mười bốn tuổi, Ngôn Ấp đi đóng quân ở phương bắc. Suốt quãng đời mười sáu năm chinh chiến đã hun đúc chất man di trong người Ngôn Ấp săn rắn oai hùng, tác phong dũng mãnh lừng vang trong quân ngũ, là bậc quân vương cưỡi ngựa cầm cương thật sự. Trước tuổi ba mươi Ngôn Ấp đã là tướng soái trọng yếu vùng biên ải. Sau năm ba mươi tuổi, hắn trở thành anh hùng nhân gian đều hay biết.

-0-

Còn về phần bên kia – tên vua tiền nhiệm trước Ngôn Ấp chính là cháu của hắn, Ngôn Khiêm. Người này ngược lại thì trở thành nguyên nhân dẫn đến tai họa. Trong lịch sử nhà Trần, thiếu chút nữa Ngôn Khiêm đã trở thành kẻ làm sụp đổ vương triều.

Cuối cùng, đời sau cũng đành dựa vào chút sử sách còn lưu lại để hiểu được mùi máu tanh thấm đẫm trong bốn năm Ngôn Khiêm lên ngôi. Truớc khi Ngôn Khiêm lên ngôi thì đổi niên hiệu là Gia Vĩnh. Vẻn vẹn trong tháng đầu tiên tại vị, hoàng đế hạ lệnh xử phạt trọng thần Tả thừa tướng chịu đánh bốn mươi trượng trước triều. Chưa đến hai mươi trượng, Tả thừa tướng đã hộc máu ngã quỵ, lúc này lão cũng đã sáu mươi có lẻ rồi.

Vua còn chưa hả giận nên ra lệnh tiếp tục đánh, hai bên bá quan đều co người run rẩy. Dù xưa nay hai bên tả hữu thừa tướng có hiềm khích với nhau, nhưng Hữu thừa tướng vẫn dũng cảm đứng ra khuyên can. Hữu thừa tướng bị can tội xúc phạm oai vua, phải chịu nốt mười tám trượng mà xác chết Tả thừa tướng đang chịu. Khi đó ông còn ngoi ngóp, nhưng ba ngày sau thì chết trong phủ của mình. Lúc hấp hối, hữu thừa tướng than thở ba tiếng: “Từ nay về sau, trong triều không còn người…”

Quả nhiên, vì câu nói đó mà phủ của Hữu thừa tướng liên lụy đến cửu tộc. Ba ngày sau, cả gia tộc bị bắt đi lưu đày. Nguyên nhân là hôm đó, Tả thừa tướng chỉ nhắc nhở hoàng đế chầu triều cho đúng giờ. Một câu ngắn ngủi như thế lại gây họa cho hai gia tộc, đồng thời thay đổi vận mệnh của nhà Trần. Kể ra thì khi đó, chuyện hành xử của hoàng đế Ngôn Khiêm cũng không kể là to lớn gì.

Cứ như vậy, phút chốc hai đại dòng tộc của nhà Trần tiêu tan theo mây khói, thế cục trong triều chớp mắt đã biến đổi. Từ đó trở đi, các lão thần trong triều có người thì chết, kẻ thì cáo quan. Kẻ thừa cơ làm mưa làm gió lại là thái giám hầu cận vua lúc người còn là thái tử. Đó cũng là năm đầu tiên nhà Trần chứng kiến một hoạn quan thăng lên làm quan tam phẩm.

Cũng chính sự thay đổi này đã giúp Ngôn Ấp lên ngôi. Một trong những người trọng yếu trong cuộc xoay thời này, hơn nữa sau sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho Ngôn Ấp chính là Lý Thừa Hạ.

Gia thế của Lý Thừa Hạ rất hiển hách, thân hắn là con của đại thần nhị phẩm đương triều. Lúc nhỏ, cha mẹ đã đính ước hắn với con gái một vị trọng thần khác, nàng tên là Tương Ly. Thật ra hai gia tộc cũng xem là rất môn đăng hộ đối. Chẳng ngờ, ngày nọ khi đi dâng hương, kẻ hầu cận cho Ngôn Khiêm là Tiết Minh lại vừa mắt nàng Tương Ly xinh đẹp. Để đạt được Tương Ly, hắn lén lút cấu kết với mấy tên bồi bàn sai vặt, đổ tội thông đồng với kẻ địch bên ngoài lên Lý gia và Tương gia nhằm hãm hại họ. Cuối cùng, cha của Lý Thừa Hạ bị chém đầu, còn Tương Ly bị cưỡng bắt vào nhà của Tiết Minh.

Đáng ra Lý Thừa Hạ đã chịu chung số phận, nhưng sau cùng được hảo bằng hữu cứu thoát khỏi ngục, sau đó đưa hắn đi lánh nạn ngay. Vì chuyện hắn bỏ trốn mà mấy tên quan viên trong kinh cũng bị tống vào ngục. Cơn phong ba này cũng là trận chiến tranh quyền đoạt vị của bọn lão thần mới lên chức. Kết cuộc là những lão thần bị thua đều cáo lui.

Lý Thừa Hạ chạy trốn tới biên ải xa xôi, nơi đóng quân của vị vương thúc Ngôn Ấp. Trước mặt các tướng lãnh dưới trướng Ngôn Ấp, hắn lên án hành động phi đạo đức của Ngôn Khiêm, đồng thời hắn chỉ tay thề, thỉnh cầu sự trợ giúp của Ngôn Ấp. Sau một đêm suy tư trằn trọc, Ngôn Ấp lấy danh nghĩa đứng về phía thanh quân điều binh về kinh thành.

Năm đó cũng vừa đúng năm thứ ba Gia Vĩnh.

-0-

Rất nhiều năm sau, khi Ngôn Ấp nhớ lại cảnh tượng lúc đó, hắn vừa cười vừa nói với ái nhân của mình: “Cũng xem như là may rủi.”

Hắn dứt lời thì đối phương đã trừng mắt: “Xem ra cũng là ngư ông đắc lợi thôi.” Người đó suy ngẫm xong lại bồi thêm: “Dân gian cũng có câu, chuột sa hũ nếp mà.”  Ngôn Ấp cười vang, càng thấm thía hơn con người trước mặt quả nhiên thấu hiểu tâm tư của hắn. Không biết hắn nên thấy mất mặt hay là may mắn đây.

Hắn hỏi sao đối phương lại nói thế, nhác thấy tờ giấy trên bàn thì người kia liếc hắn một cái, sau cùng nhịn không được hắn mà cười đáp trả: “Khi đó người đóng quân ở phương bắc là do lúc tân hoàng đế lên ngôi, huynh trưởng sợ người đoạt ngôi con hắn nên mới ra lệnh người và hai vị huynh đệ kia cùng ra biên ải có phải không? Ta còn không rõ tính tình người sao? Nếu là tâm phục khẩu phục thì người sẽ không tác quái gây sóng gió. Đáng tiếc, là chính Ngôn Khiêm tự đào mồ chôn lấy mình. Ta nghĩ lúc đó người đã nhủ thầm không quen mắt với hành vi của hắn chẳng phải sao? Người vừa cao ngạo lại tự phụ, sao lại không kiếm cớ làm loạn chứ? Xem như là Lý Thừa Hạ… đúng lúc lót sẵn đường cho người…” Người kia dứt lời thì trầm tư.

Hiếm khi Ngôn Ấp thấy người nọ vì bàn chuyện mà xúc động, bất quá chỉ ở trước mặt mình, người ấy mới lộ ra tính cách dịu dàng kia. Hắn biết ái nhân của mình hẳn đang nghĩ đến Lý Thừa Hạ mới có nét trầm mặc thế.

-0-

Ngày đó Lý Thừa Hạ quỳ gục trước mặt hắn, thân nam nhi cao to bảy thước lại nước mắt đầm đìa cầu khẩn hắn giải oan. Thấy hắn do dự, Lý Thừa Hạ rút trủy thủ ra chặt đứt ngón tay mình. Chẳng ngờ, một khắc do dự của Ngôn Ấp chẳng qua là giả vờ. Dù không có Lý Thừa Hạ, sớm muộn gì hắn cũng khởi binh.

Có điều từ đó về sau, hắn thật sự kính nể Lý Thừa Hạ. Đấy là một người anh hùng thật sự.

Nhưng sau cùng, làm cạn kiệt được sinh mạng của anh hùng cũng chỉ có ái tình mềm mại mà thôi.

Khoảnh khắc Lý Thừa Hạ qua đời, trong lòng Ngôn Ấp ngoài sự đau thương ra còn có hương vị may mắn, may mắn là vì… ái nhân của hắn vẫn cận kề bên…

Dưới ánh đèn, bóng dáng hai người ngồi ôn chuyện xưa đều trầm mặc. Quá khứ xa xôi như đang ở trước mắt…

-0-

Một năm rưỡi sau, đoàn binh mà Ngôn Ấp chỉ huy về nam đã đến ngoại ô kinh thành.

Đừng thắc mắc vì sao quân lực của đương kim hoàng đế không chống nổi cuộc đả kích thế này. Cứ thử nghĩ xem, những đại tướng giỏi trong quân ngũ đều lần lượt bị gán tội hoặc bị chém đầu. Mà thay thế họ toàn là đám “tướng quân” a dua ba tòng nịnh nọt, điều khiển quân hệt như trò đùa. Chuyện đã thế, quân lực của hoàng đế không yếu cũng khó lắm.

Huống chi ba năm qua, tiếng than vãn tích tụ ngút trời, từ lâu trong quân ngũ Ngôn Khiêm đã mang tiếng là “bạo quân.” Hơn nữa lời đồn rằng Ngôn Khiêm rất mê nam sắc, đa số mấy “đại tướng” được cắt cử đều bò lên chức bằng con đường đó. Tất nhiên, nam nhi thô mãn trong quân trường rất khinh thường loại “tướng công” bán thân cho chủ tử như vậy. So với bên kia biết cách điều quân, ngoại trừ thái độ làm người quá mức nghiêm túc ra thì không có khuyết điểm gì, tất nhiên người ta sẽ chọn Ninh vương. Với lại bên kia còn biết cách dùng người đi quy hàng nữa. Thân chinh hơn hàng trăm cuộc chiến lớn nhỏ, nghe nói trước trận phản chiến, người ấy còn có trong tay hai mươi vạn quân.

Lúc quân lực của Ngôn Ấp đến gần kinh thành, có hai người đi đến trước đoàn quân khiến Lý Thừa Hạ hết sức vui mừng.

Đấy là người con gái mà hắn yêu thương hết lòng, dù tóc mái đã phớt bạc nhưng nàng vẫn xinh xắn như thuở nào. Nàng Tương Ly hai mươi tuổi trăng tròn, vậy mà chuôi mắt đã thấm đẫm ưu sầu và thống khổ. Dù vậy, gặp được ý trung nhân rốt cuộc nàng cũng mỉm cười.

Kẻ đi cạnh nàng chính là Tiết Lượng, đệ đệ của Tiết Minh. Thấy thế lực hùng mạnh của Ngôn Ấp, tên gian xảo này muốn bảo toàn tính mạng của mình nên xông vào phủ ca ca mình cướp Tương Ly đi, thế nên đôi uyên ương xa cách gần hai năm này mới có cơ hội tương phùng.

Sau cùng Lý Thừa Hạ cũng gặp được vị hôn thê, hắn gắt gao siết chặt tay nàng. Vì mối tình này, hai người đã trả giá quá nhiều rồi. Nhưng Tương Ly của giây phút này không còn là người con gái năm xưa nữa. Có thể đoán được, nếu hai người vẫn muốn ở bên nhau thì sẽ gặp nhiều ánh nhìn nghi ngại. Dù như thế, Lý Thừa Hạ cũng quyết không buông tay nàng ra.

Quyết tâm rồi, Lý Thừa Hạ càng khát khao nắm chặt tay người con gái mình, nhưng lúc đó, Tương Ly lại từ tốn buông tay hắn ra.

Lý Thừa Hạ kinh ngạc, vừa tính hỏi nàng thì Ngôn Ấp đã đi tới.

Đó là lần đầu Tương Ly trông thấy Ngôn Ấp. Người nam tử lạnh băng thấy nàng hành lễ thì khẽ phất tay, ý bảo nàng đứng dậy. Tương Ly nhìn ra sự uy nghi của bậc vương giả, cùng với ánh mắt tôn kính Lý Thừa Hạ dành cho người đó. Đấy cũng là lần đầu trong mấy năm qua nàng thấy yên lòng. Người yêu nàng theo phò tá một bậc vương giả chân chính, người yêu nàng đang gầy lên sự nghiệp mà chàng luôn theo đuổi. Suy nghĩ như vậy, nàng mỉm cười. Lý Thừa Hạ quay lại thấy nụ cười của nàng, tuy không hiểu nguyên nhân nhưng hắn bất giác cười lại.

Khoảnh khắc đó, hắn cười thật hồn nhiên. Hạnh phúc cứ như bức tranh vẽ cuộn tròn, dần dà mở ra trước mắt hắn.

Đêm ấy trong phòng, Tương Ly treo cổ tự vẫn.

Ánh trăng đêm ấy rất đẹp, màu trăng sáng ngần dịu dàng lan tràn trên đất. Lý Thừa Hạ trằn trọc mãi, tận khi trăng treo vắt vẻo trên cao, hắn dợm đến phòng vị hôn thê mình. Những tưởng hắn sẽ thấy khuôn mặt tươi cười e lệ của nàng, nhưng kết cục, cảnh hắn thấy là thi thể cứng đờ của Tương Ly, gió thổi suối tóc mềm của nàng phất bay.

Lý Thừa Hạ đứng chết trân trong phòng, ánh trăng đẹp đẽ đêm đó thấm chảy vào tâm can hắn, rồi ngưng đọng.

Mãi lâu sau, hắn mới thấy tờ giấy ngay ngắn đặt trên bàn, chữ viết tinh tế tỉ mỉ hiện rõ trên mặt giấy. Người con gái ấy hoàn toàn thờ ơ với cái chết, thậm chí không hề hoảng sợ.

Hơi tàn này kéo dài đã rất lâu, âu cũng mong gặp chàng một lần. Nếu chàng khỏe mạnh, lòng thiếp đây cũng chẳng vướng bận. Tấm lòng của quân tựa ánh trăng sáng, chẳng trách tấm thân thiếp tì vết, thiếp cảm động đến lệ tuôn hai hàng. Lẽ ra phải dùng cả đời này hầu hạ quân mới báo đáp được ân đức này, nhưng nhớ đến vì thiếp mà liên lụy chàng cửa nát nhà tan, không chỗ dung thân, mấy năm qua phải lưu vong xa ngàn dặm, tất cả khổ sở đều vì thiếp mà ra. Giờ đây, tấm lòng chàng vẫn sáng ngời như thế, nhưng thiếp lại không mặt mũi nào cùng người kết tóc se duyên, sống nốt quãng đời còn lại.

Xin nguyện vì chàng mà xướng một khúc ca, sau khi chết rồi, Tương Ly nguyện kiếp sau hữu duyên sẽ bầu bạn với chàng.

Ngày xuân yến tiệc,

Sáu chung hòa khúc xướng lên một lần.

Nguyện điều thứ ba ấp ủ,

Chỉ nguyện lang quân thiên tuế,

Nguyện làm đôi yến, đời đời gần bên tình lang… (1)

Gió thoảng bay, vén màn cho trăng chiếu soi mảnh giấy lạnh như băng ngàn năm. Cõi lòng Lý Thừa Hạ trống hoác, đờ đẫn ngã xuống đất.

-0-

Đêm sau, Lý Thừa Hạ dẫn ba mươi binh lính thâm nhập kinh sư ám sát Tiết Minh. Sau một hồi thập tử nhất sinh, cuối cùng hắn thắng cuộc. Tất nhiên tin tình báo do Tiết Lượng cung cấp cũng rất hữu dụng.

Màn đêm buông xuống cũng là lúc kinh thành nổi lửa. Sau một đêm, Tiết gia đã trở thành bình địa. Cơn lửa tràn lan đến gia viên mấy trọng thần kế bên, rốt cuộc trong thành đại loạn.

Lúc đó, Tiết Minh là tướng quân “trung thành dũng cảm” mà Ngôn Khiêm bổ nhiệm, là tên trọng thần ngăn trở Ngôn Ấp. Sau khi hắn chết, lòng quân tan rã không gượng dậy nổi. Ngôn Ấp lãnh binh phá thành thành công. Ngôn Khiêm thấy không địch nổi nên ra lệnh cho dân chúng dùng thân mình chắn thành bảo vệ kinh đô. Cái mệnh lệnh không ai ủng hộ đã đành mà chúng còn mắng cho là bỉ ổi hoang đường. Tin đó truyền ra, đại thần hai bên quay sang nhìn nhau.

Cho dù là đám tâm phúc của Ngôn Khiêm xưa nay quen nịnh hót, gió chiều nào che chiều nấy mà nghe cái lệnh hoang đường này vẫn không khỏi run rẩy.

Đế vương giấu mặt chễm chệ ngồi trên cao, chỉ biết ra lệnh suông là thế này sao? Đưa ra quyết định như thế tuyệt không phải là đế vương của bá tánh.

Trong khi tâm trí họ đang hỗn loạn thì một ý tưởng bất chợt ập vào tất cả đại thần. Có một đế vương như vậy, chẳng chóng thì chày sẽ làm bại hoại vương triều. Quốc gia xã tắc là gì chứ, trên đời này có gì quan trọng hơn tính mạng mình sao?

Ánh lửa hừng hực cháy trong nhà Trần như khúc bi ca chậm rãi vang lên trong đêm, báo hiệu đã đến hồi kết.

Chuyện sau đó không nói cũng đã rõ, chính là cái chết của Tương Ly đã một nấc đẩy Ngôn Ấp lên ngôi.

Có điều từ đó về sau, dù Lý Thừa Hạ có mỉm cười đi nữa, ánh mắt hắn hoàn toàn trống rỗng sự hạnh phúc.

-0-

Giữa tiếng hoan nghênh Ngôn Ấp vào thành vang dội khắp chốn, kẻ đầu tiên hắn thấy là đứa cháu Ngôn Khiêm đã bị bắt của mình.

Ngôn Ấp từ tốn thả bộ qua đình viện. Nơi đây là chỗ hết sức quen thuộc với hắn, từ lúc sinh ra đã lớn lên ở đây, nhưng bao năm rồi không có ghé qua.

Đám người hầu nhận chuyện tiếp quản trong cung đều run cầm cập. Có kẻ cũng tò mò ngước lên, nhưng tuyệt không ai dám trực diện nhìn thẳng hắn.

Hoa viên của vương thất rộng lớn thế mà lại tiêu điều xơ xác. Tuy mỗi ngày đều có người tận tâm chăm sóc vườn cảnh, nhưng dường như âm khí suy đồi của tên vua trước đây đã nhuộm bẩn cả chỗ này. Lướt mắt phóng nhìn thì đám hầu cận đều gục mặt phủ phục, không khí nặng nề khiến người ta thấy sao ảm đạm đến vậy.

Ngôn Ấp nhếch môi cười, sắc mặt vẫn lãnh đạm.

Người dẫn đường phía trước cắm mặt rụt vai mà đi, đấy chính là Tả thừa tướng của vương triều Gia Vĩnh. Bây giờ ông ta chẳng khác nào chó mất chủ, cụp đuôi kỳ vọng lấy lòng chủ nhân mới.

Người kia đi đến chỗ biệt viện đằng trước thì dừng bước, xoay người lại, một mực cúi đầu nhìn mỗi vạt áo của Ngôn Ấp mà thưa: “Ngôn Khiêm đang ở trong đây, vương gia ngài…”

Ngôn Ấp khoát tay: “Các ngươi đứng ngoài đi.” Rồi hắn bước vào biệt viện.

Có một người đang dựa vào gốc cây, tay đang nắm lấy nhành mà bẻ.

Ngôn Ấp còn cách khoảng mười bước thì dừng lại, lên tiếng: “Bệ hạ.”

Đối phương đảo mắt sang nhìn.

Trong lòng Ngôn Ấp khinh khỉnh hừ một tiếng. Đứa cháu này của mình cũng đã hai mươi bốn tuổi rồi, thế mà giữa ban ngày nắng lên đỉnh đầu, đôi mắt Ngôn Khiêm lại đục mờ như cá ươn. Bao năm tháng ăn chơi sa đọa đã khiến hắn chẳng còn sức lực, tên thanh niên trước mặt Ngôn Ấp giờ bên trong coi như mục rữa cả rồi.

Ngôn Khiêm híp mắt nhìn hắn mà dợm hỏi: “Hoàng thúc?”

Ngôn Ấp hành lễ đúng đạo đãi quân rồi đứng thẳng dậy.

Cả hai nhìn nhau, không ai nói lời nào.

Lâu sau đó, Ngôn Ấp mới thở dài: “Bệ hạ, sao người lại ra thế này?”

Tuy hai chữ “thế này” rất bâng quơ, nhưng trong lòng cả hai đều hiểu ám chỉ điều gì.

Ngôn Khiêm ngập ngừng một chút, song lại bật cười cổ quái. Hắn ngẩng đầu lên: “Hoàng thúc, trong thiên hạ này tất cả lãnh thổ đều thuộc về hoàng đế ta, có cái gì mà tại sao chứ? Đây là vương triều của ta, sao thúc lại nhúng tay vào?”

Ngôn Ấp gật đầu: “Ra là vậy.”

Ngôn Khiêm chậm rãi đến gần hắn, sau đó phá lên cười: “Hoàng thúc, cả thúc và ta đều hiểu, thiên hạ chẳng qua chỉ là trò chơi. Hoàng thúc cần gì giả bộ ở đây, đóng vai thánh nhân đến hù dọa à?”

Ngôn Ấp thản nhiên không phản ứng, từ tốn lui ra sau chấp tay hành lễ: “Bệ hạ hãy nghỉ ngơi cho khỏe, thần xin cáo lui.” Lúc hắn đi ra còn nghe tiếng cười sằng sặc không ngớt đằng sau.

Hắn bước ra biệt viện thì Tả thừa tướng vẫn đang đứng chờ. Ông ta nhác thấy hắn liền vồ vã bước tới: “Sao vương gia lại ra nhanh như vậy?”

“Thời gian trước đây, tinh thần của Ngôn Khiêm như thế nào?”

Tả thừa tướng sửng sốt, suy nghĩ một chốc mới đáp: “Ngôn Khiêm đã hóa điên từ lâu rồi, thường ngày luôn sa đọa vào tửu sắc, không khi nào nghe lời khuyên can của thần. Nói tóm lại thật rất nản lòng.”

Ngôn Ấp nhìn chằm chằm vào đỉnh đầu hắn thản nhiên nói: “Vậy sao?”

Lòng bàn tay Tả thừa tướng rướm mồ hôi lạnh, không biết mình trả lời có vừa lòng con người đáng sợ này hay không, chỉ biết nói chêm thêm: “Quả thật là vậy. Nếu không phải sợ lạm quyền cưỡng ép thì lão thần đã sớm cung thỉnh vương gia vào triều chỉnh đốn xã tắc…” Ông ta chưa nói hết câu đã thấy buốt óc, mồ hôi càng túa ra. Cũng may mồ hôi thấm ướt lưng chứ trên mặt thì không có nhiều, mới nhìn thì mặt mày ông vẫn trầm ổn.

Ngôn Ấp không nói gì nữa, một chốc sau mới lên tiếng: “Vậy ngươi thấy hiện nay phải làm sao?”

Tả thừa tướng lại sững người.

Tuy giờ đang vào độ tháng sáu, nhưng sao lão thấy lạnh lẽo âm u thế này? Bất giác, ông ngước mắt nhìn Ngôn Ấp thì phát hiện ánh mắt hắn sắc như độc xà đang nhìn lại mình.

Lão chậm rãi gật đầu mà bẩm: “Lão thần sẽ lật đổ bệ hạ, vương gia không cần nhọc công.” Trong lòng ông ta đánh thở cái phào, nếu có thể giải quyết gốc rễ này cho Ngôn Ấp thì tính mạng mình được bảo toàn rồi. Không làm vậy thì còn đường khác sao? Trong lòng lão đột nhiên thấy buốt lạnh, nhưng thoáng chốc đã tan biến. Người không vì mình, trời tru đất diệt. Thắng thì làm vua, thua ra làm giặc. Hoàng thượng, người không thể trách ta được.

-0-

Màn đêm buông xuống, trong biệt viện vang lên tiếng kỳ quặc. Đó là tiếng dây thừng siết cổ. Một tiếng siết chặt đi kèm với thanh âm ngắc ngứ hoảng sợ của ai đó.

Trong nháy mắt lại có tiếng dã thú tru lên như lang sói thua trận, tức tốc đã lặng thinh tứ bề như sói bị bóp mõm.

Giật mình choàng tỉnh mộng.

Trong đêm đó, Tả thừa tướng bẩm báo, Ngôn Khiêm đã treo cổ mà chết.

Ngôn Ấp cười khẩy lạnh lùng, đoạn gọi lính kéo vào. Tả thừa tướng trơ người ra đấy. Có tên hầu cận nhỏ con đang cúi đầu rất sợ hãi, đúng rồi, chính là kẻ hầu hạ cạnh Ngôn Khiêm. Tả thừa tướng rối trí một hồi thì hiểu ra.

Tên hầu cận đứng trước mặt Ngôn Ấp của nhà Trần nói, làm sao Tả thừa tướng lại sai người treo cổ quân vương được chứ, sao có chuyện điên rồ này được?

Người lão túa mồ hôi như tắm, ngước mắt nhìn thẳng Ngôn Ấp mới hiểu ông đã sập bẫy người này.

Hắn không hề mở miệng một lời mà đã khuấy động lão giết Ngôn Khiêm, tội trạng này rành rành là của mình. Người đời chỉ nói là Ninh vương thanh trong như nước, mọi chuyện xấu xa đều do kẻ khác làm, chứ ai ngờ đằng sau là do một tay Ngôn Ấp mà ra.

Tả thừa tướng loạng choạng ngã ra sau kêu lớn: “Oan uổng lắm! Rõ ràng là do ngươi—” Ông nói chưa hết đã bị thị vệ hai bên bịt miệng lôi đi.

Lập tức xử trảm ngay.

Ngôn Ấp nhìn bóng dáng của lão mà nheo mắt căm ghét.

Thứ hắn căm ghét nhất chính là loại a dua, đi nịnh quyền cao mà chà đạp người thấp bé. Ngoại trừ tên Tiết Minh đã chết ra, Tả thừa tướng này là kẻ đứng đầu vương triều Gia Vĩnh. Nhưng nếu chính hắn ra tay trừ khử thì không thể trấn an được đám người mới xin hàng kia. Một ná bắn chết hai chim, một cú rung cây nhát khỉ, thế là dẹp được một mối lo trong lòng.

Hôm sau, Ninh vương chiêu cáo toàn dân rằng Tả thừa tướng ám sát tiên hoàng, rốt cục hai bên lưỡng bại câu thương.

Ba ngày sau, chúng thần dùng danh nghĩa “nước không thể một ngày không vua” mà thỉnh cầu Ninh vương lên ngôi.

Ngôn Ấp một mực từ chối, hai bên cứ thế giằng co cù nhây.

Đến ngày thứ tư, các chúng thần lại cùng nhau thượng tấu, tiếp tục cầu xin Ninh vương lên ngôi.

Cuối cùng Ngôn Ấp cũng tiếp nhận sự nghiệp thống nhất đất nước.

Vua đặc xá cho toàn dân, đổi niên hiệu là Bình Nguyên.

Hôm gặp mặt Ngôn Khiêm, có một câu Ngôn Ấp không nói ra với hắn: Quả thực, thiên hạ này chẳng qua là trò chơi, nhưng có là trò chơi thì ta tuyệt đối không thể thua. Ta phải nắm trọn thiên hạ này trong lòng bàn tay.

Hôm đó, khi Ngôn Ấp cưỡi ngựa ngạo nghễ vào thành thì dã tâm trong lòng hắn như cỏ dại mùa xuân nẩy mầm lên. Hắn của ngày đó thể nào cũng không ngờ, sẽ có ngày gặp gỡ một nam tử sẽ khiến hắn thay đổi chính mình.

———————

Danh tính:

Ngôn Ấp 言邑: ‘Ngôn’ là lời nói, ‘Ấp’ là đất nước hay kinh thành.

Lý Thừa Hạ 李承贺: ‘Thừa’ trong thừa kế, ‘Hạ’ là chúc mừng.

Tương Ly 相漓: ‘Ly’ trong lâm ly, thấm đẫm.

———————

Ghi chú:

(1) Bài thơ mà Tương Ly viết là dựa theo ý bài thơ “Trường mệnh nữ – 長命女” của Phùng Duyên Kỷ – 馮延己.

春日宴,

綠酒一杯歌一遍。

再拜陳三願。

一願郎君千歲,

二願妾身長健,

三願如同樑上燕,

歲歲長相見。

Xuân nhật yến,

Lục tửu nhất bôi ca nhất biến.

Tái bái trần tam nguyện.

Nhất nguyện lang quân thiên tuế,

Nhị nguyện thiếp thân trường kiện,

Tam nguyện như đồng lương thượng yến,

Tuế tuế trường tương kiến.

Ngày xuân yến tiệc,

Sáu chung hòa khúc xướng lên một lần.

Lại nguyện ba điều ấp ủ,

Một nguyện cho lang quân thiên tuế,

Hai nguyện cho thiếp thân trường kiện,

Ba nguyện chúng ta như đôi chim yến,

Đời đời mãi ở bên nhau.

(Phỉ Thúy dịch quơ quàng)

Hây da, tiết xuân có đi ngủ mới biết, ngủ cỡ nào cũng không đủ nha.

Đọc truyện chữ Full