21.
Tôi cũng xem như là trẻ mồ côi, từ nhỏ đã không có cha mẹ, có thể trở thành như ngày hôm nay đều là do một tay bà nội nuôi nấng.
Nhưng bà nội cũng không phải là người có máu mủ ruột rà gì với tôi. Bà mất chồng và con trai khi còn trẻ, sau đó cứ thế mà sống lủi thủi một mình trong cô độc.
Bà nhặt được tôi trong tình trạng được quấn tã lót vứt bên lề đường, sau đấy thì bà dựa vào việc quét rác, nhặt ve chai mà nuôi tôi lớn.
Cũng may tôi là đứa có chí cầu tiến, từ khi học tiểu học đã luôn đứng ở vị trí đầu lớp, đến khi thi đại học thì phát huy tốt hơn bạn bè cùng trang lứa, thẳng tiến vào top 10 toàn thành phố.
Tương lai của tôi vốn dĩ rạng ngời xán lạn.
Có quốc gia trợ cấp, có học bổng của nhà trường nên tôi không phải lo học phí, tất cả những gì tôi cần chỉ là học thật giỏi để cuộc sống sau khi tốt nghiệp của tôi và bà khá khẩm hơn.
Nhưng khi ấy, sức khỏe của bà nội không tốt lắm.
Bà không bị bệnh, chẳng qua là do tuổi tác đã cao, các bộ phận chức năng trên cơ thể dần suy yếu.
Tôi biết bà đã làm rất nhiều công việc để nuôi lớn tôi.
Mấy năm qua tuy cuộc sống không khá giả gì nhưng bà nội luôn cố gắng cho tôi thứ tốt nhất.
Mùa hè có kem ăn, mùa đông có hạt dẻ ngào đường.
Bà không mua được quần áo mới cho tôi thì sẽ ra ngoài mua mấy tấm vải rẻ mà đẹp, tự tay may cho tôi một chiếc váy xinh đẹp.
Từ khi còn nhỏ tôi đã biết mình được bà nhặt về.
Nhưng suốt bao nhiêu năm qua, chưa bao giờ tôi thấy tủi thân hay ấm ức, tôi đã sống một cuộc sống tràn ngập hạnh phúc bên bà nội.
Vậy mà giờ nếu đi học, tôi sẽ phải bỏ mặc bà nội ở đây một mình.
Thành phố chúng tôi sống không có đại học ở địa phương, coi như tôi chỉ học ở thành phố tuyến ba gần đấy thì cũng không thể ngày nào về chăm sóc bà nội.
Tôi đã đắn đo rất lâu, cuối cùng quyết định không học đại học, định đi tìm một chỗ làm nào đó gần nhà để làm thuê.
Nhưng bà nội nghe quyết định của tôi xong thì vô cùng tức giận.
Bà đập vỡ rất nhiều đồ vật, những món đồ thường ngày bà cẩn thận nâng niu từng chút một đều bị quăng vỡ rơi đầy đất.
Bà chỉ thẳng vào mặt tôi mắng nhiếc, mắng xong lại ôm tôi khóc nước mắt giàn dụa.
Đêm đó hai bà cháu ôm nhau khóc nức nở, như thể đang trao nhau hơi ấm cuối cùng trên thế gian.
Vậy mà ngày hôm sau bà nội lại biến mất.
Bà để lại cho tôi 20 nghìn (khoảng 65 triệu VND), và nhờ hàng xóm chuyển lời cho tôi rằng.
Bà nói bà về với bố mẹ bà rồi, nơi đó có người thân của bà, sẽ có người chăm sóc bà.
Bà dặn tôi phải cố gắng học thật giỏi, đừng nhớ bà làm gì, cuộc sống của bà rất hạnh phúc, bà hi vọng rằng tương lai sau này của tôi cũng thế.
Đây là hai câu cuối cùng bà nội để lại cho tôi.
Nghe xong, tôi nghẹn ngào khóc rất lâu, cũng từng cố gắng đi nghe ngóng tin tức về bà.
Nhưng không một ai biết bà đi đâu.
Bà biết người ít học như mình chịu rất nhiều thiệt thòi nên dù thế nào bà cũng không muốn tôi buông tha cơ hội được đi học.
Cả đời này bà sống nhờ công việc tay chân, không ai cho bà biết khi gặp tình huống này bản thân phải khuyên nhủ tôi như thế nào.
Thế nên bà chọn biến mất. Bởi vì bà biết, nếu bà còn ở đây thì tôi sẽ không chịu rời đi.
Người bà hiền từ ấy luôn sợ mình hủy hoại tương lai xán lạn của tôi.
Cho nên lúc cha mẹ Lục Từ tìm tôi, nói muốn cho Lục Từ một tương lai tốt hơn, tôi không khỏi nghĩ tới chuyện năm xưa.
22.
“Lúc đó có nói thế nào anh cũng không chịu ra nước ngoài. Em khuyên anh, đàn anh của anh khuyên anh, cha mẹ cũng khuyên anh nhưng anh không nghe lời.”
“Em hết cách, thế nên lúc cha mẹ anh tới tìm em, em chỉ nghĩ được một cách đó là khích tướng anh.”
Nói xong chuyện năm xưa, tôi mệt mỏi thở dài.
Lục Từ sầm mặt không nói. Tôi nhìn anh, dịu dàng chậm rãi nói: “Xin lỗi Lục Từ, lúc đó là em nói quá trớn, em không chê anh nghèo, chẳng qua là em…”
Tôi mấp máy môi, nhưng lời tới bên miệng lại chẳng nói được gì, thế là đành cười trừ cho qua.
Lục Từ lẳng lặng nhìn tôi. Con ngươi anh đen láy, sâu hun hút.
Anh nhẹ giọng nói: “Tại sao không một ai tin lời anh nói ban đầu là thật?”
Cả người anh toát lên vẻ mệt mỏi, bờ vai thẳng tắp sụp xuống.
Anh không nói gì thêm mà đứng dậy chuẩn bị rời đi.
Tôi ngẩng đầu, im lặng nhìn anh cầm áo khoác ra cửa.
Lục Từ mở cửa nhà tôi ra, nhưng tới lúc bước chân ra ngoài lại khựng lại.
Anh nghiêng đầu, cái nghiêng chỉ đủ để tôi nhìn thấy tóc anh che đi một phần mặt.
Anh nhẹ giọng nói: “Cố Dữu, ngay từ đầu anh đã nói với mọi người rằng, anh không muốn làm sếp, anh không muốn khởi nghiệp, tất cả đều là tiếng lòng của anh.”
“Anh chỉ muốn cùng em xây dựng tổ ấm, có một cuộc sống đủ ăn đủ mặc. Như vậy không được sao?”
Anh nói liền một mạch, giọng điệu vô cùng buồn bã.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh.
Anh đi rồi. Anh nhẹ nhàng đóng cửa nhà tôi lại, không thèm quay đầu nhìn tôi lấy một cái.
23.
Tôi ngồi ở phòng khách một lúc lâu.
Lâu đến mức khi đồng hồ vang lên tiếng chuông báo, tôi mới giật mình phát hiện đã mười hai giờ đêm.
Tôi rửa sạch sẽ mặt mũi, im lặng đi về phòng.
Nhưng vừa mới tới cửa, tôi đã phát hiện có điều không ổn.
Con trai đang ngủ say nhưng sắc mặt rất đỏ, tiếng thở cũng khò khè hổn hển, mặt mày thì nhăn nhó khó chịu.
Tôi hoảng hốt, nhanh chóng bật đèn sờ trán con trai thử nhiệt độ.
Trán thằng bé rất nóng, có vẻ như đã khó chịu như này được một thời gian rồi, vậy mà tôi lại sơ suất không phát hiện ra.
Tôi không nhịn được tự trách bản thân.
Hòm thuốc trong nhà đã hết tôi chưa kịp mua bù. Tôi muốn đưa con trai đi bệnh viện, nhưng giờ tới cả một chiếc xe tôi cũng không có.
Giờ phút này, cảm giác thất bại ồ ạt kéo tới bủa vây tôi.
Tôi muốn lớn tiếng khóc, nhưng tiếng con trai r3n rỉ khó chịu lại kéo tôi trở lại.
Tôi đo nhiệt độ cho con, phát hiện thằng bé sốt tới 39 độ.
Bàn tay cầm nhiệt kế run lên. Tôi không dám thả lỏng một giây nào, nhanh chóng mặc quần áo tử tế cho con rồi gọi điện thoại cho Lục Từ.
Tôi cứ nghĩ Lục Từ sẽ không nhận.
Nhưng không ngờ tôi vừa gọi anh đã nhấc máy, giọng nói còn nghe rất sốt sắng: “Sao thế Dữu Dữu?”
Nghe tiếng anh, tâm tình tôi đè nén nãy giờ bùng phát. Tôi cầm điện thoại, nghẹn ngào nói: “Lục Từ, Bắc Bắc sốt rồi, em không gọi được xe, anh, anh…”
Tôi nói năng lung tung hết cả lên, Lục Từ ở bên kia điện thoại vội vàng an ủi: “Được rồi, được rồi, em ở nhà chờ anh, anh đến ngay.”
Nói xong, anh cúp điện thoại.
Thằng bé đã tỉnh, giờ đang nằm yên ở đó.
Tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc cho con. Lúc đầu tôi cứ tưởng mình sẽ phải chờ thêm lúc nữa, không ngờ chỉ hai phút sau Lục Từ đã gõ cửa nhà tôi.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh.
Lục Từ mỉm cười, vội vàng chạy về phía phòng con trai, vừa đi vừa giải thích: “Anh ở ngay dưới nhà em, thấy đèn trong nhà vẫn sáng nên sợ xảy ra chuyện. Cũng may là anh chưa đi.”
Nghe tới đây, tôi lại không nhịn được muốn khóc.
Nhưng con trai đang ốm, tôi buộc phải giữ tỉnh táo.
Lục Từ ôm thằng bé lên, dẫn theo tôi xuống dưới tầng.
Lúc vào thang máy, thằng bé nằm trong lòng Lục Từ khó chịu gọi cha khiến anh phải liên tục nhẹ giọng an ủi.
Chỉ một lúc sau chúng tôi đã có mặt tại bệnh viện. Sau khi để bác sĩ kiểm tra, bác sĩ nói con trai tôi chỉ bị sốt và viêm dạ dày nhẹ.
Họ bố trí cho thằng bé truyền nước, bảo chúng tôi đêm nay ở đây để quan sát.
Sau khi kiểm tra xong, con trai tôi lại mê man ngủ, tôi cũng mệt mỏi ngồi thụp xuống ngoài hành lang.
Lục Từ đi tới bên cạnh tôi. Anh không nói gì, chỉ lặng lẽ đưa cho tôi chai nước.
Tôi nhỏ giọng nói cảm ơn, rồi cũng mệt mỏi đưa tay nhéo ấn đường.
Hôm nay xảy ra quá nhiều chuyện, đầu tôi đau nhức như muốn nổ tung.
Lục Từ dịu dàng ngồi cạnh tôi, để tôi tựa vào bả vai anh.
Tôi quá mệt nên chẳng buồn phản kháng anh.
Cái ôm của Lục Từ quá ấm áp, mang theo cảm giác quen thuộc vô cùng, khiến tôi bất giác ngủ say lúc nào không hay.
24.
Sáng hôm sau con trai tôi đã hết sốt nhưng vẫn phải tiếp tục truyền nước.
Tôi nhắn tin cho nhà trường xin cho con nghỉ một hôm, nhưng đến phiên mình xin nghỉ thì lại lưỡng lự.
Bây giờ đang là thời điểm mấu chốt để hoàn thành dự án, tôi thân là người phụ trách lại nghỉ mất một hôm thì sẽ kéo dài cả thời gian làm việc của mọi người.
Trong lúc tôi đang xoắn xuýt, Lục Từ đã thay tôi nghĩ cách.
“Giờ chúng ta có hai cách. Cách thứ nhất là em ở đây trong con, anh sẽ tự mình đi hoàn thành công việc, hai là gọi cho cha mẹ anh tới chăm sóc Cố Bắc Bắc. Em thấy sao?”
Nghe đến đoạn cha mẹ Lục Từ, tôi có hơi chần chừ.
Nhưng ngẫm lại thì tôi không thể để việc riêng của bản thân mà lỡ dở công việc của cả tổ được, thế nên tôi đồng ý với cách gọi cha mẹ Lục Từ qua đây.
Đến khi tan làm, tôi và Lục Từ chạy thẳng tới bệnh viện.
Sang ngày hôm nay thằng bé đã hoàn toàn hạ sốt, lúc này đang nằm trên giường nhắm mắt ngủ.
Xa cách nhiều năm lần nữa gặp lại, cả tôi và cha mẹ Lục Từ đều thấy ngượng nghịu.
Tôi mấp máy môi, khách sáo nói cảm ơn hai ông bà rồi cúi đầu không nói gì nữa.
Cha mẹ Lục Từ nhìn nhau rồi thống nhất kéo tôi ra hành lang nói chuyện.
Tôi khó hiểu nhìn bọn họ, lại thấy mẹ Lục Từ thở dài, áy náy nhìn tôi.
“Cô Cố, năm đó giữa chúng ta có chút hiểu lầm. Hai bác luôn muốn tìm cháu nói lời xin lỗi, lần này bác mong cháu có thể chấp nhận.”
Cha mẹ Lục Từ nghiêm túc khom lưng cúi đầu xin lỗi tôi khiến tôi phải vội vàng đỡ ông bà đứng thẳng dậy. Cũng từ đó mà tôi biết được một vài sự kiện.
Ông bà nói với tôi rằng, sau khi chia tay tôi, Lục Từ đã ra nước ngoài đúng như mong đợi của mọi người, nhưng cuộc sống thì không ổn chút nào.
Có lẽ do bị tôi k1ch thích nên kể từ sau khi ra nước ngoài, anh luôn liều mạng kiếm tiền.
Khoảng thời gian đó thỉnh thoảng họ lại nghe đàn anh của Lục Từ nói chuyện anh phải nhập viện.
Hai ông bà sợ con mình xảy ra chuyện bất trắc nên quyết định bay thẳng sang đó xem tình hình.
Lần gặp ấy khiến bọn họ không ngừng hoài nghi về cách làm trước đó của mình.
Bọn họ thấy Lục Từ như biến thành người khác. Anh không ăn cơm, trong phòng ngổn ngang đủ loại chai rượu và các dãy số lập trình.
Anh ở nhà cả ngày viết mã liên tục, kiếm được không ít tiền, danh tiếng cũng dần dần lan xa.
Nhưng người làm cha mẹ như họ liếc mắt một cái là biết con mình đang không vui.
Đó là lần đầu tiên bọn họ bình tĩnh ngồi lại nói chuyện với Lục Từ. Và cũng từ đó mà họ biết, Lục Từ không thích một cuộc sống “công thành danh toại”.
Mong ước của anh nằm ngoài dự liệu của mọi người.
Cái anh mong muốn rất đơn giản.
Hai người ba bữa, bốn mùa làm bạn.
Đó hoàn toàn không phải vì anh yêu đương mất não hay không có chí tiến thủ, đấy là mong ước từ tận đáy lòng của anh.
Chẳng có ai bảo hôm nay bạn buộc phải cống hiến cho xã hội nhiều hơn hôm qua cả.
Năng lực sáng tạo của Lục Từ trong mắt người khác mà nói thì đó là một tương lai sáng chói.
Nhưng anh không thích.
Lần nói chuyện ấy đã khiến cha mẹ anh chấn động.
Bọn họ nghi ngờ không biết việc trước kia tìm tôi nói chuyện là đúng hay sai.
Lấy góc độ của một người ngoài cuộc để sắp xếp cho người trong cuộc một tương lai tốt đẹp, đó có thật sự là vì muốn tốt cho anh không?
Cha mẹ anh hoang mang nên vừa về nước cái là muốn tới tìm tôi.
Nhưng lúc ấy tôi đã đổi số điện thoại, cũng cắt đứt liên lạc với tất cả mọi người.
Bọn họ chật vật liên hệ nhưng cuối cùng chỉ tìm được căn nhà tôi và bà nội từng sống.
Bọn họ có qua mấy lần để thử may mắn, không ngờ lại gặp được vị hàng xóm ngày trước hay giúp đỡ tôi.
Qua lời của hàng xóm, bọn họ biết thêm chuyện về tôi.
Điều đó khiến họ càng thêm áy náy.
Bọn họ không ngờ cuộc sống của tôi lại vất vả như vậy, cũng biết những lời nói của mình đã làm tôi tổn thương.
Khoảng thời gian ấy, cảm giác áy náy của họ với con trai đã lan sang cả tôi.
Sau đó bọn họ đã nghĩ đủ mọi cách tìm kiếm, không ngờ lại tìm được bà nội của tôi.
Mẹ Lục Từ nắm tay tôi, nghẹn ngào nói: “Lúc hai bác tìm được bà cháu thì bà đã rất yếu rồi. Bác tìm đủ mọi cách mà không liên lạc được với cháu, lại không cách nào bù đắp được cho mối quan hệ của hai đứa nên dứt khoát chăm sóc bà ấy vào những năm tháng cuối đời.”
Tôi nghẹn ngào khóc không thành tiếng.
Vào lúc tôi cắn răng chật vật nuôi con.
Thì mọi người cũng chẳng ai vui vẻ cả.
Tôi liên tục nói lời cảm ơn với cha mẹ Lục Từ.
Tôi biết ơn họ vì đã thay tôi chăm sóc bà nội, và cả việc họ muốn bù đắp cho Lục Từ.
Dù thế nào đi chăng nữa, tôi cũng thật lòng cảm ơn hai ông bà.
Vào lúc tôi chật vật nuôi nấng Bắc Bắc, bọn họ đã thay tôi làm việc tôi nên làm nhất.
Cha mẹ Lục Từ quay về phòng bệnh.
Tôi nằm trong lòng Lục Từ, không nhịn được khóc nấc lên.
Lục Từ dịu dàng xoa lưng tôi.
Tiếng khóc cứ thế dần dần yếu đi, chẳng biết đã khóc được bao lâu.
Lục Từ nhẹ nhàng tì cằm lên đ ỉnh đầu tôi, cười nói: “Này, em đến công ty đàn anh anh làm việc lúc nào thế?”
Tôi khóc mệt rồi, chẳng muốn chui ra khỏi lòng Lục Từ chút nào.
Tôi chôn mặt vào lòng anh, buồn bực nói: “Nửa năm trước, sao thế?”
Nghe tới đây, Lục Từ lại ấm ức, hối hận nói: “Haiz, biết vậy anh đã để tâm tới sự nghiệp hơn rồi, nửa năm đó đến công ty vài lần không chừng lại sớm gặp được em.”
Tôi biết anh đang đùa để làm tôi vui nên cũng rất nể mặt mà cười.
Nhưng nghĩ tới chuyện trước kia mình làm với anh, tôi lại căng thẳng nắm chặt áo anh.
“Lục Từ, em xin…”
“Đừng nói xin lỗi.” Lục Từ dịu dàng cắt ngang lời tôi.
“Trước kia anh không hiểu rõ quá khứ của em, không nghiêm túc giải thích cho em hiểu suy nghĩ thật lòng của mình là anh sai.”
“Còn em không đủ để tâm đ ến nguyện vọng của anh, tự cho rằng mình làm thế là tốt cho anh, đây là lỗi sai của em.”
“Vậy nên chúng ta hòa nhau, không có gì phải xin lỗi hết.”
Anh nâng mặt tôi lên, con ngươi dịu dàng nghiêm túc nhìn tôi.
“Chúng ta không bỏ lỡ nhau là quá tốt rồi.”
“Dữu Dữu, giờ anh có tiền rồi, về sau anh nuôi em được không?”
Tôi lẳng lặng nhìn Lục Từ, mỉm cười nói: “Được.”
Từ đó về sau, ba bữa bốn mùa, bên nhau cả đời.
END
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Lục Từ x Cố Dữu
Chương 6: Hoàn
Chương 6: Hoàn