Sau khi Dương Hiến Dung giảng giải xong xuôi khởi nguồn của sĩ tộc và thường dân, nàng lại tiếp tục tập trung vào việc tìm kiếm mẫu thân của A Diệu.
Nàng uống một ngụm nước rồi chỉ vào gia phả và nói: "Bảy đại gia tộc này đều rất đông người, mỗi gia tộc như vậy có tới hàng trăm con cháu thuộc dòng chính. Thế nhưng mục tiêu đặt ra của chúng ta là chỉ tìm những vị phu nhân khoảng chừng bốn mươi tuổi, xuất thân là dân thường ở Hà Đông. Sau cuộc sàng lọc này, ngoài gia tộc họ Dương ra thì có một vài người trong sáu gia tộc khác đều phù hợp với điều kiện trên."
Học trò A Lạc lại lên tiếng hỏi: "Vì sao lại trừ nhà họ Dương?"
Dương Hiến Dung trả lời: "Trong chi họ của phụ thân ta, ông ấy là con trưởng. Các đệ đệ và muội muội thì nhỏ hơn ông ấy ít nhất mười tuổi. Những người trong chi họ khác lại lớn hơn phụ thân ta khoảng mười tuổi. Chỉ có mẫu thân ta là khoảng bốn mươi tuổi thôi. Thế nhưng, mẫu thân của ta xuất thân từ gia tộc họ Tôn ở Sơn Đông mà, bà ấy không phải là dân thường."
Hơn nữa, phần lớn những người nữ là dân thường khi gả cho người giàu sang đều phải làm thiếp hoặc kế thất và chỉ có một số gia tộc sắp suy tàn mới lấy những nữ nhân bình thường ở chi khác làm chính thất mà thôi. Vì sự thật này quá đau lòng nên Dương Hiến Dung không hy vọng việc này sẽ xảy ra đối với công tử Liễu Quang Minh. Vứt bỏ con cái mình để đi làm tì thiếp, ai mà chịu đựng nổi chứ?
A Diệu nháy mắt với A Lạc: "Huynh nghe cho rõ đi, đừng có ngắt lời người khác nữa." Chàng dùng tay ra hiệu với Dương Hiến Dung một cách lễ độ, "Dương tiểu thư, mời tiếp tục."
Dương Hiến Dung cầm cành liễu, giảng giải từng việc một: "Gia tộc Lang Nha Vương được lập nên dựa trên thời Tây Hán và Đông Hán, nhà họ Vương là một đại gia tộc, có tới hàng chục người làm quan lớn trong triều đầy kiêu căng ngạo mạn. Bắt đầu nói về Vương Khải trước, là người giàu nhất trong gia tộc họ Vương. Vương Khải là quốc cữu của tiên đế Tư Mã Viêm, mặc dù đã lớn tuổi nhưng ông ta vẫn nạp thiếp, người thiếp thứ tư này là một dân thường, bà ta năm nay ba mươi tám tuổi."
Vương Khải là người luôn muốn cạnh tranh sự giàu có với Thạch Sùng, song ông ta luôn bị Thạch Sùng đánh bại. "Sự tích anh hùng" của hai người họ đã được các sử gia ghi chép và truyền lại cho thế hệ sau này.
Vương Khải từng nói: "Nhà ta lấy mật rửa chảo". Thạch Sùng đáp lại: "Nhà ta lấy nến bạch lạp làm củi." Vương Khải lấy vải dệt bằng tơ làm màn trướng giăng dài bốn mươi dặm, Thạch Sùng cũng lấy gấm làm màn trướng giăng dài năm mươi dặm để đáp lại. Vương Khải dùng phấn đá đỏ quét vôi nhà thì Thạch Sùng lại dùng hồ tiêu quét lên vách. Hai người họ đều đem hết những thứ đẹp đẽ ra để so sánh.
Cung điện là nơi duy nhất để Thạch Sùng tỏ ra huênh hoang, lấn át cả những người trong hoàng cung, Hoàng đế thấy rõ những việc làm của Thạch Sùng nhưng vẫn không thể làm được gì ông ta.
Một trong những giai thoại của hai người họ được lan truyền rộng rãi nhất trong kinh thành đó là: Có một lần vua Tấn Vũ Đế thấy Vương Khải kém thế trước Thạch Sùng nên đã ban cho ông ta một cây san hô cao hai thước. Vương Khải thấy đây là cây san hô hiếm có trên thế gian nên rất tự hào và mời tất cả các quý tộc đến xem, đồng thời ông ta cũng muốn đem ra khoe với Thạch Sùng. Nhưng nào ngờ, Thạch Sùng đã lấy gậy ngọc Như ý của mình đập nát cây san hô của ông ta, Vương Khải vừa tiếc vừa giận, cho rằng Thạch Sùng đố kỵ với báu vật của mình nên lớn tiếng trách mắng. Thạch Sùng liền sai đầy tớ mang hết san hô của mình ra, cây nào cũng cao từ ba đến bốn thước, trong đó có sáu hay bảy cây san hô phát ra ánh sáng chói mắt, ông ta nói với Vương Khải rằng cứ chọn một cây tùy ý.
Thế là những người trong kinh thành đã đưa ra kết luận: Thạch Sùng là người giàu nhất trong thiên hạ, Vương Khải nghe thế liền nổi cơn tam bành. Trong cuộc đời này, ông ta không có gì khác ngoài làm quốc cữu của Hoàng đế và mục đích của ông ta là không ngừng tung ra những chiêu trò mới để tỏ ra giàu có hơn Thạch Sùng. Vậy nên cổng nhà Vương Khải ngày nào cũng rộng mở để đón tiếp khách khứa và để cho Thạch Sùng thấy rằng nhà ông ta cũng giàu có không thua kém gì ai.
Tuy rằng gia tộc họ Liễu từng bị triều đình chèn ép và loại bỏ, thế nhưng uy lực và sức ảnh hưởng của họ vẫn còn tồn tại, gia sản vốn liếng cũng còn khá nhiều, chưa kể đến nhà họ Liễu từng mang danh là bậc trung thần nghĩa sĩ. Vì vậy, dựa trên danh phận này, người con trai thứ ba của Liễu gia có thể đi đến gõ cửa bất kỳ gia tộc quyền quý nào trong thành Lạc Dương. Đối với Vương Khải, khả năng ghi nhớ và nhận định mọi việc của ông ta đều kém như nhau thì việc trà trộn vào nhà của ông ta là dễ dàng nhất. Thế nên họ sẽ đi đến nhà của Vương Khải luyện tập trước.
Dương Hiến Dung ngắm nhìn y phục của A Diệu.
Mặc dù Linh Nhi đã rất khéo tay trong việc cắt may cho chàng những bộ y phục vừa vặn và đẹp mắt, song nàng vẫn cảm thấy chưa đủ để chàng toát lên phong thái con nhà quyền quý. Dương Hiến Dung lắc đầu nói: "Trước khi chúng ta đi đến từng nhà thăm hỏi, điều đầu tiên là huynh nên thay hình đổi dạng. Ngày mai đúng giờ này ta sẽ lại đến và mang theo một số món đồ cần thiết cho huynh."
*****
Ngày hôm sau.
A Diệu khoác trên mình một bộ y phục màu trắng, đầu đội mũ cao, dây thắt lưng rộng rãi, ống tay áo rộng và cồng kềnh đến mức chỉ cần chàng buông hai tay xuống sẽ giống như kéo vệt cả xuống đất. A Diệu nhìn xuống chính mình, chàng cảm thấy không mấy dễ chịu.
Dương Hiến Dung đặt đôi guốc mộc xuống trước mặt chàng: "Nào, huynh mang vào đi."
A Diệu buộc phải cởi ủng ra và mang guốc vào. Chàng cố gắng đi thử vài bước, mỗi bước đi đều phát ra tiếng lộc cà lộc cộc, chàng cần phải dùng ngón chân kẹp đôi guốc nên nhìn chàng bước đi rất khó nhọc với một bên cao một bên thấp.
Dương Hiến Dung đứng bên cạnh chỉ dẫn cho chàng: "Huynh phải phất tay áo lên. Tay áo rộng như vậy là để giúp huynh đi đứng có phong thái tao nhã và phóng khoáng hơn."
A Diệu khịt mũi nói: "Tao nhã ư, từ nãy đến giờ ta đều cảm thấy không hề thoải mái, mang đôi ủng thuận tiện hơn nhiều."
Dương Hiến Dung cười thầm đáp lại chàng: "Thật ra, nếu huynh bước đi chậm rãi và từ tốn thì có nghĩa huynh là người giàu sang và nhàn rỗi. Hơn nữa, những người sĩ tộc không thường hay đi bộ, bọn họ chỉ cần bước vài bước là lên kiệu ngồi rồi."
Chàng cảm thấy ống tay áo là thứ cản trở nhất. A Diệu cố gắng kéo nó lên, nhưng ống tay áo rộng như vậy, làm thế nào để kéo nó lên đây? Chàng vừa loay hoay xử lý tay áo vừa nói rằng: "Y phục như thế này đừng nói đến việc cầm kiếm mà ngay cả sinh hoạt bình thường cũng không thể!"
Dương Hiến Dung nhún vai: "Vì sao sĩ tộc cần phải làm mọi việc? Sẽ có người hầu làm thay tất cả."
A Lạc thở dài hỏi: "Không lẽ những sinh hoạt ngày thường còn có người hầu cho nữa ư?"
Dương Hiến Dung không cảm thấy điều này đã mạo phạm đến nàng, thay vào đó nàng lại đỏ mặt và nhẹ giọng nói: "Ngày mai, ngươi tự khắc sẽ hiểu rõ thôi."
Bước thứ hai trong việc thay đổi diện mạo chính là trang điểm.
Dương Hiến Dung bắt đầu nói về công dụng của từng chiếc hộp và từng chai lọ: "Đây là loại kem dưỡng thần kỳ của Tây Vực, nghe nói sau khi thoa lên mặt sẽ trẻ mãi không già, giá của một lọ này đến năm ngàn tiền đồng đấy. Còn đây là mặt nạ nhân sâm, bôi lên mặt từng lớp từng lớp, nửa canh giờ sau rửa mặt lại thật sạch thì làn da của huynh sẽ trở nên nhẵn mịn và mềm mại. Ngoài ra còn có những thứ này, chẳng hạn như son môi thần tiên ta đang cầm, thoa lên môi trông sẽ tươi tắn và đẹp đẽ hơn rất nhiều. Phấn hồng và chì kẻ mày cũng tô điểm cho dung mạo thêm phần phong lưu hoặc thanh nhã hơn. Đây đều là vật dụng trang điểm thịnh hành nhất của những người nổi danh trong giới quý tộc.
Ngày hôm qua, khi Dương Hiến Dung vừa rời khỏi Liễu gia, nàng đã hăng hái đi một chuyến đến Vương phủ của Lang Nha, ở đó nàng đã vơ vét hết những chai lọ và những chiếc hộp trang điểm của Tư Mã Duệ, nàng còn cẩn thận hỏi hắn cách sử dụng chúng. Chỉ là Dương Hiến Dung không hay biết, sau một canh giờ ở bên cạnh nữ nhân xinh đẹp mà Tư Mã Duệ thầm để ý, ngọn lửa trong lòng hắn đã nhen nhóm trở lại sau hơn nửa tháng bị Dương Huyền Chi trấn áp.
A Diệu nhìn thấy những vật dụng trang điểm này, chàng liền kinh ngạc đến mức không nói nên lời: "Đây là....... cho ai dùng vậy?"
Dương Hiến Dung nhìn A Diệu và mỉm cười. Bạn nhỏ Liễu Quang Minh, bạn không nhận ra rồi, những chai lọ này chính xác là để cho bạn dùng đấy.
"Khi trà trộn vào giới sĩ tộc, nếu huynh không dùng đến những thứ này sẽ bị những người đó coi thường." Dương Hiến Dung cầm lên một cái lọ trông rất sang trọng, nàng tấm tắc khen ngợi: "Cái lọ này mới là thứ lợi hại nhất. Gần đây, những người sĩ tộc sẽ rất xấu hổ khi ra ngoài mà không sử dụng thứ này. Đây là dịch ốc sên mang về từ bên Cao Li, có công dụng rất huyền diệu khó mà giải thích được."
A Lạc cảm thấy như có thứ gì đó đang nhào lộn trong bụng: "Là dịch......ốc sên sao?"
Dương Hiến Dung gật đầu nói: "Chẳng phải những chỗ mà ốc sên vừa bò qua sẽ để lại vết dịch do nó tiết ra ư? Sau khi vết dịch này khô sẽ hình thành một vệt nước sáng lấp lánh. Đây chính là nước ép ra từ thân ốc sên đấy, chỉ cần nhỏ hai giọt......"
A Diệu chịu không nổi nữa đột ngột đứng lên, chàng nghiến răng nghiến lợi nói: "Ta - không - dùng!"
A Lạc cầm lọ dịch ốc sên lên đi đến cạnh A Diệu làm ra vẻ thoa thoa lên mặt, hắn nhếch mép cười nói: "Không được, nhất định phải dùng! Nếu không, sao đệ lại không biết ngượng mà đi ra ngoài chứ?"
A Diệu ra sức tránh né.
Vào hôm sau, cho đến tận lúc khởi hành, A Diệu vẫn nhất quyết kháng cự việc bôi quét son phấn lên mặt mình. Dương Hiến Dung thì vẫn cải trang thành nam nhân, nàng sẽ đi cùng A Diệu để tiện bề nhắc nhở chàng. Nếu không có Dương Hiến Dung ở bên, chàng sẽ chật vật trong những gia đình quý tộc này.
Chàng có phần lo lắng không yên tâm. Kinh thành là nơi mà những sĩ tộc thường hay đi lại, cho dù là nữ nhân trong gia quyến của nàng đều lui về ở sau nhà và họ cũng không dễ dàng xuất đầu lộ diện giữa đám nam nhân. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều bà con họ hàng của nàng đi lại lòng vòng quanh trong kinh thành và sẽ có người nhìn thấy Dương Hiến Dung. Ngộ nhỡ có người nhận ra nàng, chẳng phải sẽ mang đến phiền phức cho nàng ư?
Có vẻ như sự lo lắng của A Diệu đã dư thừa.
Dương Hiến Dung đã hóa trang cho gương mặt mình bằng những vật dụng mà nàng mang theo và ngay lập tức vẻ mặt nàng liền đổi khác. Nàng vốn có đôi lông mày dài và đậm thì nay càng đậm hơn, khuôn mặt trái xoan thanh tú của nàng bị hóp đi rất nhiều do lớp phấn màu xám nhạt nàng bôi trên má. Nàng chấm một miếng kem nhỏ giống với màu da và thoa lên xương gò má tạo cho gò má hơi nhô cao. Sau khi Dương Hiến Dung hoàn thành xong các bước hóa trang cùng với vòm ng.ực đã được nàng quấn chặt thì những nét đặc trưng nhất của nữ giới đều được nàng che đi một cách khéo léo, trông nàng giống như một cậu thiếu niên khôi ngôi tuấn tú.
Rốt cuộc A Diệu cũng đã hiểu ra, trong đêm biểu diễn hôm đó, chàng luôn cảm thấy gương mặt của Dương Hiến Dung có chút khác biệt so với trước đây thì ra là do nàng hóa trang nên mới như vậy.
A Lạc đi vòng quanh ngắm nhìn Dương Hiến Dung và luôn miệng tán thưởng, không ngờ nàng ấy lại có kỹ năng này. Có điều là, ban đầu nhìn Dương Hiến Dung có ra dáng nam nhân, song với làn da trắng ngần và những đường nét xinh đẹp kia, một khi nhìn kỹ nàng vẫn mang dáng vẻ của nữ nhân. Thế nên những người quen thuộc với Dương Hiến Dung vẫn có thể nhận ra được nàng ấy. Vậy tại sao, vào buổi tối hôm đó A Diệu đã không thể nhận ra nàng ấy trong nháy mắt?
Riêng Dương Hiến Dung lại không hề lo lắng. Bởi vì nàng biết rõ, trong gia đình nàng, Dương Huyền Chi là người rất khắt khe, con cái nhà họ Dương không được phép tham gia vào những bữa tiệc xa hoa trụy lạc này, thế nên các đường đệ hay thứ đệ trong gia tộc có quen biết với nàng cũng sẽ không tham dự. Ngoài ra, phải vài năm những sĩ tộc mới gặp mặt nhau một lần, cho nên kiểu cải trang này của Dương Hiến Dung cũng đủ để trà trộn vào rồi.
Vì vậy Dương Hiến Dung đã lè lưỡi với A Lạc, nàng nói rằng: "Ngươi yên tâm đi, ta sẽ không bị lộ tẩy đâu. "
"Vì sao? "
Dương Hiến Dung tỏ vẻ bí hiểm: "Bởi vì, ngươi sẽ thấy một đám nam nhân trông giống nữ nhân hơn cả ta."
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Năm Tháng Huy Hoàng
Chương 13: Chương 13: Những dự định của dương lão sư (2)
Chương 13: Chương 13: Những dự định của dương lão sư (2)